Meck Architekten là một trong những công ty kiến trúc nổi tiếng tại Đức. Năm 2018, công ty này đã hoàn thành việc thiết kế và xây dựng nhà thờ Seliger Pater Rupert Mayer tại thị trấn Poing, gần thành phố Munich thuộc miền nam nước Đức. Công trình kiến trúc của nhà thờ mang nhiều nét độc đáo tạo điểm nhấn nổi bật cho thị trấn. Ngoài ra, nhà thờ này còn được ví như một chiếc vương miệng khổng lồ với nét hút khó cưỡng. Việc sử dụng những gam màu sáng đơn giản cùng lối thiết kế sáng tạo trong bố cục từng chi tiết đã làm giáo đường trở nên vô cùng xinh đẹp và độc đáo. Không chỉ là nơi thờ phụng của các tín đồ tôn giáo, nhà thờ Seliger Pater Rupert Mayer còn thu hút các du khách từ nhiều nơi ghé thăm.
Sơ lược về nhà thờ Seliger Pater Rupert Mayer
Nhà thờ Seliger Pater Rupert Mayer toạ lạc tại thị trấn Poing gần Munich, Đức. Đây là một công trình tôn giáo được xây dựng bởi studio kkiến trúc Meck Architekten ở Munich. Nhà thờ được thiết kế riêng cho một linh mục người Đức có tên là Rupert Mayer. Ông là một biểu tượng hàng đầu trong cuộc kháng chiến của Công giáo chống lại Đức quốc xã ở Munich.
Nhà thờ khoác lên mình lớp “áo” bao phủ bởi 15000 viên gạch gốm ba chiều màu trắng. Công trình được thiết kế và xây dựng với dạng mặt bằng hình chữ nhật. Sức chứa của nhà thờ có thể đủ cho khoảng 220 người. Công trình tôn giáo này trở thành điểm nhấn nổi bật của thị trấn và thu hút nhiều sự quan tâm của những du khách ghé tham quan.
Khối kiến trúc sáng tạo của nhà thờ Seliger Pater Rupert Mayer
Khối kiến trúc của nhà thờ được chia thành hai hình thức rõ ràng. Tầng một của công trình là khối đá xám. Các nhà kiến trúc sư đã tận dụng vật liệu molasses – một loại sỏi được tìm thấy tại địa phương để xây dựng. Riêng đối với khối mái thì được ốp hoàn toàn bằng gạch gốm trắng. Mái nhà có hình dạng một khối điêu khắc với tổ hợp của bốn yếu tố hình học.
Theo Meck Architekten chia sẻ, hãng kiến trúc này muốn tạo một điểm nhấn ở phía trên khối đế. Điểm nhấn kiến trúc này nhằm gây ấn tượng thị giác cho mọi người. Mục đích của họ là tạo một “bức tranh” nhà thờ giáo xứ với gạch men trắng nổi lên như đám mây giữa trời. Hình ảnh đẹp đẽ này sẽ khắc hoạ vào tim những ai từng đặt chân đến thị trấn nơi này. Bên cạnh đó, sự tương phản giữa vương miện màu trắng trang nhã và khối đế từ đá molasse đen còn thể hiện quan điểm về trời và đất, siêu diệt và bất diệt.
Không gian thiết kế tạo nên sức hút thị giác ấn tượng
Khác với những nhà thờ Tin lành gần đó, Seliger Pater Rupert Mayer không có không gian gác chuông. Tuy nhiên, một góc của công trình được thiết kế cao vượt các góc còn lại. Tại góc cao nhất là một cây thánh giá và đài phun nước trên cùng.
Khối mái theo phong cách Baroque độc đáo
Kiến trúc của nhà thờ mang phong cách Baroque, thể hiện rõ qua mái nhà. Mái được đỡ trên cây thánh giá bằng thép bắc ngang qua nhà thờ. Lối thiết kế này đã tạo ra không gian ấn tượng ở chính giữa khu vực thờ phụng. Ba trong số các khối hình học của mái nhà được đục các ô thoáng. Những ánh nắng qua ô cửa cao vút ấn tượng ùa vào chiếu sáng cho không gian của nhà thờ.
Studio cho biết cách thiết kế này giúp tạo ra sức hút thị giác. Khi bước vào không gian thờ phụng sẽ là đường dốc nhẹ về phía bàn thờ. Sau khi đi qua không gian sảnh đón, một gian thờ tràn ngập ánh sáng với hệ trần cao theo phong cách Baroque mở ra. Ánh sáng từ gian thờ sẽ gợi cho người ta liên tưởng tới “ánh sáng thiên đường”. “Về ý nghĩa biểu tượng, hình ảnh của cây thánh giá được tạo ra qua những nếp gấp mạnh mẽ của trần nhà”, studio cho hay.
Sự kết hợp giữa gạch men và yếu tố ánh sáng
Tương tự với khối mái, các viên ngói ở mặt tiền của công trình có hình dạng rất độc đáo. Mỗi viên ngói 3D đều được tạo nên bởi bốn phần hình học. Studio đã lên kế hoạch sử dụng gạch men vào phương án thiết kế. Mục đích là tạo ra một bề mặt sáng bóng bên trong với mái nhà lát gạch men trắng. Từ đó tạo nên một “tác phẩm điêu khắc” đầy ấn tượng và tỏa ra nhiều năng lượng.
Công ty thiết kế đã nghiên cứu việc ý tưởng kết hợp gạch men với ánh sáng và không gian điển hình của nhà thờ. Thông qua đó, tạo nên hiệu ứng khúc xạ ánh sáng đặc biệt qua bề mặt bốn chiều của vật liệu. Với ý tưởng này, khối mái của nhà thờ như trở thành một chiếc “vương miện pha lê” lấp lánh của thị trấn.
Chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc đặc sắc trong chuyên mục:
Nguồn: kienviet.net